Quan hệ với Bonaparte Giáo_hoàng_Piô_VII

Hiệp ước Côngcoócđa

Ký kết Concordat giữa Pháp và Tòa Thánh. (Trong hình, Hồng y Consalvi nhận phê chuẩn hiệp ước của Đức Giáo hoàng)

Sau chiến thắng Marengo (5.6.1800), Napoleon Bonaparte ngỏ ý muốn điều đình với tòa thánh vì ông nhận thấy cần phải thông hảo với Roma để tái lập trật tự trong tư tưởng cũng như trong đời sống.

Một thỏa ước được Hồng y Tổng trưởng Ngoại giao Consalvi điều đình đã thu xếp, năm 1801, tình huống của Giáo hội ở Pháp. Hiệp ước được ký kết ngày 15 tháng 7 năm 1801 được mệnh danh là Côngcoócđa và ngày 15 tháng 4 năm 1802, bản sắc lệnh mà căn cứ vào đó để Napoleon thi hành và quy định tổ chức mới của Giáo hội Thiên chúa giáo ở Pháp.

Theo đó, Napoleon Bonaparte thừa nhận Thiên chúa giáo là "tôn giáo của đại đa số công dân Pháp, nhưng không phải là tôn giáo của quốc gia Pháp, cũng như thời trước cách mạng. Các giáo phận được phân chia lại ranh giới: 10 tòa tổng Giám mục và 50 tòa Giám mục. Chính phủ bổ nhiệm các Giám mục, nhưng quyền thừa nhận chiếu theo giáo luật thuộc tòa thánh. Các Giám mục và linh mục hứa trung thành với Chính phủ, và chính phủ phải lo cho có lương bổng xứng đáng.

Đáp lại, giáo hoàng cam kết không bao giờ yêu sách đòi lại đất đai và tài sản của Giáo hội đã bị tịch thâu trong thời kỳ cách mạng, và người mua có quyền giữ mà không mắc vạ nữa. Về hàng Giám mục cũ, trước cũng như trong thời cách mạng. Tòa thánh buộc từ chức hết để thiết lập một hàng giáo phẩm mới.

"Chính phủ nước Cộng Hòa nhìn nhận đạo Công giáo tông truyền và Roma là tôn giáo chiếm đa số công dân. Giáo hoàng cũng nhìn nhận tôn giáo này đã sa sút và hiện vẫn chờ thiện ích lớn nhất, cũng như vinh dự lớn nhất, được tái lập việc phụng tự công giáo tại Pháp và tuyên xưng niềm tin riêng biệt mà các Tổng Tài nước Cộng Hòa đã làm. Vì thế, sau khi hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích tôn giáo cũng như gìn giữ bình yên trong nước, nay thỏa thuận như sau: 1. Đạo công giáo tông truyền và Rôma sẽ được tự do sinh hoạt tại Pháp; việc phượng tự được công khai phù hợp với luật lệ an ninh mà chính phủ xét là cần thiết vì trật tự chung. 2. Việc phân chia mới các ranh giới địa phận tại Pháp sẽ được Tòa Thánh cùng chính phủ thực hiện. 3. Giáo hoàng tuyên bố cho những vị có chức Giám mục ở Pháp rằng Ông chờ đợi nơi họ với sự tín nhiệm vững chắc, mọi loại hy sinh kể cả tòa Giám mục, vì lợi ích hòa bình và hiệp nhất. (JC.Để đọc LSGH II, t.100) ".

Khi Bonaparte đưa bản Côngcoócđa cho quốc hội bỏ phiếu, ông kèm thêm 77 khoản về tổ chức. Theo đó, mọi văn kiện Tòa Thánh, và các sứ thần Tòa Thánh phải được phép của chính phủ mới được Phổ biến hay hoạt động tại Pháp, bản văn cũng buộc dạy trong chủng viện tuyên ngôn Pháp Giáo 1682.

Piô VII có phản đối nhưng vô ích. Dù sao, lễ phục sinh năm 1802, người ta đã mừng trọng thể việc tái lập lễ nghi Công giáo tại Vương cung thánh đường Paris. Cũng tháng đó, Chateaubriand, xuất bản cuốn "Tinh hoa Ki-tô giáo".

Tấn phong Bonaparte

Ngày 19 tháng 4 năm 1804, Nghị viện ra một nghị quyết. Theo nghị quyết ấy thì Napoleon Bonaparte được phong làm hoàng đế nước Pháp theo chế độ thế tập. Napoleon muốn Giáo hoàng đích thân đến dự lễ lên ngôi của ông như 1000 năm trước đây, Đức Leo III đã làm đối với Charlemagne. Nhưng nếu Charlemagne đến Roma để được Giáo hoàng tấn phong thì Napoleon muốn Giáo hoàng đích thân đến Pari.

Giáo hoàng Pio VII hoảng sợ và căm tức khi biết được ý muốn của Napoleon. Các cận thần của Giáo hoàng cố gắng an ủi Giáo hoàng bằng cách dẫn giải các thí dụ lịch sử xưa kia.

Thế nhưng Rome đang nằm trong vòng uy hiếp của quân đội Pháp đóng ở miền bắc và miền trung nước Ý. Giáo hoàng Pio VII đành phải làm theo yêu sách của Napoleon, nhưng Ông cũng cố đòi một số mảnh đất nhỏ ở miền bắc đất Thánh mà trước đây Napoleon đã chiếm đoạt. Nhưng yêu cầu của Giáo hoàng Pio VII, Hồng y Côngxenvi và hồng y đoàn đã không được Napoleon đáp ứng.

Khi mời Giáo hoàng, Napoleon đã hứa với các Hồng y là sẽ đi đón Giáo hoàng. Napoleon đã đi đón nhưng ông lại vận bộ đồ đi săn, có thợ săn, lính tiền trạm và chó vây quanh, và đã gặp Giáo hoàng ở rừng Phôngtennôblô ở vùng lân cận Pari vài bước, nơi Napoleon đang ở. Đoàn của Giáo hoàng dừng lại, Giáo hoàng được mời xuống xe và qua đường cái để lên xe của hoàng đế, nhưng Napoleon thì không xuống xe tiếp đón.

Ngày 2 tháng 12 năm 1804, Lễ đăng quang của Napoleon được cử hành ở nhà thờ Đức Bà Paris. Bất ngờ đối với Giáo hoàng và trái với thủ tục đã định trước. Khi Giáo hoàng Pio VII sắp đặt mũ miện lên đầu hoàng đế thì bất chợp Napoleon giằng lấy mũ triều thiên ở tay Giáo hoàng và tự đặt lên đầu mình.

Piô VII được tiếp tại khắp các miền đất Pháp. Hàng giáo phẩm Pháp không tiếc lời ca tụng Napoléon: Đấng Chúa xức dầu, Đavít mới, Constantin, Charlemagne... và dành một chỗ đặc biệt nói về bổn phận đối với hoàng đế trong sách giáo lý 1806.

Căng thẳng giữa giáo hoàng và hoàng đế

Bảo tàng Chiaramonti. Bắt giữ Giáo hoàng Piô VII vào đêm 5 rạng sáng ngày 6 tháng 7 năm 1809.

Nhưng năm 1806, giai đoạn căng thẳng giữa Giáo hoàng - hoàng đế bắt đầu. Napoléon yêu cầu Giáo hoàng ngưng buôn bán với Anh quốc, nhưng Pio VII từ chối. Thế là tháng 2-1808 quân Pháp chiếm đóng Roma; tháng 5-1809 Nước Tòa Thánh bị sáp nhập vào đế quốc Pháp. Pio VII phản ứng bằng bản vạ tuyệt thông những kẻ xâm lăng... Tháng 7, ông bị bắt đưa về quản chế ở Savonna (gần Gênes) cho đến năm 1812. Dù bị cản trở, bản vạ tuyệt thông vẫn được Phổ biến tại Pháp.

Tháng 12 năm 1809, Napoleon đòi ly dị Joséphine (không có con trai) để cưới công chúa nước Áo Marie-Louise. Mặc dù các Giám mục Paris đã cho phép hoàng đế ly dị Joséphine nhưng Pio VII vẫn tuyên bố hôn nhân này không thành (1810).

Quay trở lại Rôma của giáo hoàng Piô VII

Thêm vào đó, tình hình căng thẳng hơn do việc Giáo hoàng không thừa nhận các Giám mục mới được Napoléon bổ nhiệm. Hoàng đế triệu tập Công đồng toàn quốc tại Paris năm 1811. Các Giám mục Pháp xác định mình trung thành với Tòa Thánh, nhưng lại không muốn làm phật ý hoàng đế, nên chấp nhận đi thuyết phục Pio VII nhưng vị Giáo hoàng vẫn không chịu nhượng bộ.

Tháng 6-1812, Napoléon áp giải Giáo hoàng về Fontainnebleau, một lần nữa ông bắt ép Giáo hoàng ký nhận. Tại đây, ngày 25-1-1813, bị cô lập, Giáo hoàng đã yếu đuối ký một thỏa ước mới (1813) chấp nhận chỉ bổ nhiệm một phần ba Hồng y đoàn, các ông hoàng công giáo bổ nhiệm các vị hồng y khác và tôn trọng Bốn điều khoản của năm 1692.

Sau đó Giáo hoàng rút lời, ông vội ra một tông thư khác (23-3) hủy bỏ bản văn trên và tiếp tục chịu làm tù nhân.

Năm sau, Napoléon bị thua liên minh các nước Âu Châu, Piô VII trở về Rôma ngày 24-5-1814 và thiếp lập lại Dòng Tên ngày 7.8.1814, để minh chứng sự độc lập của mình.Trong tông chiếu Sillicitudo-omnium Ecclesiarum ông nói: "Những tay lái đầy kinh nghiệm và hùng tráng của con thuyền Phê-rô này, sẽ có một sứ mạng đặc biệt trong thế kỳ XIX".